Dạy học vật lý thông qua các nhà khoa học - Hai anh em nhà Montgolfier

Đăng bởi CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ GIA KHÁNH
Thứ Tue,
01/06/2021

Nói đến hai anh em nhà Mônggônphiê là muốn nói đến hai anh em người Pháp, Giôdep Misen Mônggônphiê (Joseph Michel Montgolfier), thường gọi là Giôdep Mônggônphiê, thậm chí là Giôdep và Giăc Êchiên Mônggônphiê (Jacques Étienne Montgolfier), thường gọi là Êchiên Mônggônphiê, thậm chí là Êchiên.

Cha của họ tên là Pie Mônggônphiê (Pierre Montgolfier) và mẹ là An Đuyrê (Anne Duret), ông bà Pie - An có mười sáu người con. Giôdep sinh ngày 26 tháng Tám năm 1740 là con thứ mười hai, còn Êchiên sinh ngày 16 tháng Một (tháng Giêng) năm 1745, kém Giôdep năm tuổi và là con thứ mười lăm. Giôdep và Êchiên đều sinh ra ở Viđalông letx Anônay (Vidalon-lès-Annonay), một thị trấn nhỏ gần sông Rôn (Rhône), cách thành phố Liông (Lyon) khoảng 75 cây số về phía nam.

            Gia đình Mônggônphiê có nghề truyền thống là nghề sản xuất giấy. Họ Mônggônphiê không biết đã bắt đầu làm nghề này từ bao giờ, nhưng chắc chắn là cho đến Pie thì đã có ba đời nối tiếp nhau làm nghề. Xưởng giấy chính của gia đình cũng ở Viđalông Anônay, thường xuyên có khoảng ba trăm công nhân làm việc. Dù đó không phải là một nhà máy lớn, nhưng về chất lượng sản phẩm thì loại giấy của nhà Mônggônphiê đã có tiếng vang trong nước và ở cả châu Âu.

            Thuở nhỏ, Giôdep là một cậu bé rất hay tò mò tìm hiểu và thường có những ý tưởng độc đáo. Cậu rất thích thú và ham mê môn vật lí và cả môn khoa học tự nhiên; nhưng ở trường không bao giờ Giôdep được khen là một học sinh giỏi. Chưa học hết bậc trung học phổ thông, Giôdep đã bỏ học và có ý định thành lập một phòng thí nghiêm hóa học nho nhỏ trong nhà mình. Nhưng chẳng bao lâu cậu bỏ ý định đó và trở về xưởng giấy của cha ở thị trấn quê hương. Trong thời gian này, ông Pie giao cho Giôdep cùng với chị gái là Marian (Mariane) và anh trai là Ôguytxtanh Môrixơ (Augustin-Maurice) thử nghiệm một số cải tiến kĩ thuật ở một xưởng giấy mới cũng của gia đình tại Viđalông Hạ.

            Ít lâu sau, Giôdep xin phép cha đến Avinhông (Avignon) để học tiếp cho xong bậc trung học, ở đó anh vừa đi làm vừa đi học. Khi đó Avinhông chưa phải là vùng đất thuộc Pháp mà là vùng đất thuộc sự quản lí của Giáo hoàng. Ở vùng đất này, mọc lên rất nhiều nhà in. Bởi vì ở đó, có thể tránh được sự kiểm duyệt của Pháp và không phải trả tiền bản quyền tác giả khi in lại các tác phẩm của một người nào đó. Sau khi thi đỗ tú tài, Giôdep xin vào học đại học luật. Vì Giôdep không chỉ chuyên tâm vào việc học luật nên mãi đến năm 1782, nghĩa là năm 42 tuổi, anh mới thi lấy bằng cử nhân luật.

            Còn Êchiên, cậu rất khác anh mình ở chỗ cậu thường xuyên được khen là một học sinh giỏi trong trường. Sau khi học xong bậc phổ thông, gia đình cho Êchiên đi Pari theo học ngành kiến trúc. Ở đó anh được sự hướng dẫn trực tiếp của kiến trúc sư có tài Xupphơlô (Soufflot). Trong thời gian này Êchiên đã giúp một người ở Pari tên là Giăng Baptixtơ Rêvâyông (Jean Baptiste Réveillon) trong việc thiết kế xưởng giấy. Xưởng giấy này được đặt tên là Phôli Titông (Folie Titon), tọa lạc ở nơi mà ngày nay là phố Môngtrơi (Montreuil), quận 11. Về sau, hai người trở thành đôi bạn thân và Rêvâyông đã giúp đỡ Êchiên rất nhiều trong công việc.

day-hoc-vat-ly-thong-qua-nha-khoa-hoc

            Khi đang học ở Pari thì gia đình Êchiên xảy ra một việc buồn: người anh cả tên là Raymông (Raymond) qua đời đột ngột. Vì vậy ông Pie gọi Êchiên về quê quản lí xưởng giấy thay anh Raymông, còn Giôdep thì được ông Pie giao cho trông nom riêng về mặt kĩ thuật. Chính trong thời gian này Êchiên đã khéo léo áp dụng những công nghệ mới nhất của Đức vào xưởng giấy gia đình, do đó đã sản xuất thành công loại giấy đặc biệt, mặt mịn và trắng. Ở thời kì ấy, người ta chỉ mới sản xuất được loại giấy có sọc, còn loại giấy mặt mịn thì cả nước Pháp chỉ có nhà Mônggônphiê sản xuất được. Vì vậy chính phủ Pháp đã công nhận đó là loại giấy kĩ thuật cao và nêu gương xưởng giấy nhà Mônggônphiê trong toàn quốc.

Nội dung bài viết được trích trong sách "DẠY HỌC VẬT LÝ THÔNG QUA CÁC NHÀ KHOA HỌC"

Gửi bình luận của bạn:
Hotline: 0972229392
popup

Số lượng:

Tổng tiền: