Dạy học vật lý thông qua các nhà khoa học - James Watt Tầm sư học đạo

Đăng bởi CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ THƯƠNG MẠI VÀ DỊCH VỤ GIA KHÁNH
Thứ Tue,
01/06/2021

Giêm Oat (James Watt) sinh ngày 19 tháng Giêng năm 1736 tại thị trấn Grinnôc (Greenock), tỉnh Renfriusai (Renfrewshire), một hải cảng của Xcôtlen (Scotland). Giêm là cậu bé mảnh khảnh, tạng người yếu và lại có chứng đau nửa đầu và đau răng. Cha Giêm làm nghề đóng tàu thủy, kiêm chủ tàu và thầu khoán. Mẹ Giêm, bà Êtnơt Muihet (Agnus Muirhead), xuất thân từ một gia đình có tiếng tăm và có học thức.

Lúc bé, Giêm học ở nhà do mẹ dạy. Lớn hơn một chút, gia đình cho cậu đến học ở trường tiểu học Grinnôc. Ngay tại trường tiểu học này, Giêm đã tỏ ra là một cậu bé khéo tay lạ kì trong việc lắp ráp các vật dụng và có năng khiếu toán học, nhưng về môn tiếng La tinh và tiếng Hi lạp thì cậu chỉ ở bậc tầm tầm.

            Bước sang tuổi thiếu niên, Giêm đã có xu hướng rõ rệt là muốn trở thành người tạo ra và sản xuất những dụng cụ mà đời sống thường ngày cần thiết, đặc biệt là dụng cụ khoa học, như dụng cụ toán học chẳng hạn.

            Cha Giêm cũng nhận ra rằng công việc đó rất thích hợp với năng khiếu bẩm sinh của Giêm và là công việc có triển vọng. Vì vậy ông không khuyên con trai theo nghề của cha mà hoàn toàn ủng hộ ý định của con. Nhưng cái khó đối với anh là ở Grinnôc không có điều kiện để cậu có thể thực hiện được ý muốn của mình.

James Watt

            Năm mười tám tuổi, chẳng may mẹ anh qua đời còn cha thì suy sụp về sức khỏe. Tuy vậy, ông vẫn động viên con trai đến thành phố Glatxgâu (Glasgow) để học hỏi. Bởi vì Glatxgâu là một thành phố lớn, và đặc biệt là ở đó có người bà con quen biết với nhiều người khá nổi tiếng làm việc ở trường đại học Glatxgâu.

            Quả nhiên là thông qua người bà con này, Giêm làm quen được với Rôbơt Đich (Robert Dick), một nhà khoa học của trường đại học Glatxgâu. Ông này rất có ấn tượng với Giêm, nhưng ông khuyên Giêm cần phải được đào tạo cơ bản, có hệ thống mới có thể phát triển nhanh, muốn vậy thì không có nơi nào khác là Luân Đôn.

            Theo lời khuyên đó, Giêm đi Luân Đôn. Sau khi đến Luân Đôn, Giêm dành hai tuần đầu tiên để tìm hiểu cơ hội học nghề. Qua tiếp xúc với một số người đang làm nghề sản xuất dụng cụ toán học, Giêm được biết rằng họ phải tuân thủ một quy định, có thể coi như một điều luật bất thành văn, đã tồn tại từ lâu ở ngành nghề này: thời gian học nghề kéo dài không dưới bảy năm! Người muốn học nghề với một ông chủ nào đó thì phải đến nhà chủ làm việc như một người thợ học việc và được chủ trả công. Chủ truyền nghề cho trò theo hình thức thông qua từng việc làm cụ thể. Nói tóm lại, muốn học được một nghề thì phải đi làm thuê cho chủ trong thời gian bảy năm liền. Đối với Giêm đó là một trở ngại lớn.

            Nhưng rồi cuối cùng Giêm cũng gặp may. Giôn Mogân (John Morgan) một người làm nghề ở ngay trung tâm thành phố đã nhận ra khả năng đặc biệt của Giêm nên đồng ý nhận đào tạo Giêm trong vòng một năm, nhưng với điều kiện tiền công thấp. Tiền công thấp nhưng bù lại, thời gian đào tạo chỉ có một năm nên Giêm vẫn chấp nhận.

            Quả nhiên nhận xét của Mogân không sai. Mới qua hai tháng học việc, Giêm đã nắm được những hiểu biết, những kĩ năng mà với những người bình thường thì phải học trong hai năm. Thời gian học việc này, Giêm sống rất kham khổ. Tiền công và tiền cha gửi không đủ trang trải cho cuộc sống, dù là sống rất tằn tiện. Vì vậy, ngoài thời gian làm cho chủ, Giêm còn phải tìm việc làm thêm để kiếm tiền. Giêm vốn không phải là người có sức khỏe tốt, vì vậy sau đợt học nghề này anh thanh niên Giêm chưa đầy hai mươi mà trông như một ông già!

Nội dung bài viết được trích trong sách "DẠY HỌC VẬT LÝ THÔNG QUA CÁC NHÀ KHOA HỌC"

Gửi bình luận của bạn:
Hotline: 0972229392
popup

Số lượng:

Tổng tiền: